Báo động tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt ở ngoại thành

o-nhiem-nguon-nuoc-o-ngoai-thanh
Người dân thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên phải lấy nước ao phục vụ sinh hoạt.

Theo khảo sát của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong số mười ngôi làng có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất, riêng trên địa bàn Hà Nội có hai làng. Đó là làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa và làng Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ. Do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, cho nên năm nào trong làng cũng có vài người chết do mắc bệnh ung thư, khiến người dân hoang mang.

Mới hơn 9 giờ sáng, tại khu vực giếng làng thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, đã có rất đông người dân đi cấy về nghỉ chân, hóng mát. Vừa rửa chân dưới ao làng, chị Hà chia sẻ, tranh thủ ruộng no nước, gia đình chị đã chuẩn bị số mạ để cấy đủ một sào ruộng trong buổi sáng. Để tránh nắng nóng, hai mẹ con chị dậy sớm, đi cấy từ gần 5 giờ sáng và dự tính sẽ hoàn thành trong buổi sáng. Tuy nhiên, chỉ mới gần 9 giờ, hai mẹ con đã phải nghỉ cấy lên bờ. Lý do khiến hai mẹ con phải nghỉ sớm không phải chỉ vì nắng nóng. Chị Hà tâm sự, nguyên nhân chính là do nguồn nước tưới bị ô nhiễm nặng. Trước khi lội xuống ruộng, chị đã đi ủng, nhưng vẫn không ngăn được nước bẩn ngấm qua, khiến hai chân bị mẩn ngứa khó chịu. Vì vậy chị phải bỏ cấy lên bờ sớm hơn dự tính. Số mạ còn lại mang về nhà buổi chiều cấy tiếp…

Có mặt cùng với chị Hà tại khu vực giếng nước, nhiều người dân khác trong thôn đang nóng ruột chờ nước. Gần chục ống hút nước đã được lắp đặt sẵn dưới giếng, chỉ chờ có nước để bơm về nhà sử dụng. Trao đổi chung quanh vấn đề nước sinh hoạt, nhiều người dân cho biết, trước đây giếng làng luôn đầy nước, trong vắt, đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhiều hộ dân trong thôn. Đây cũng là nguồn “nước thiêng” được sử dụng trong các dịp tế lễ của làng. Thế nhưng, từ gần chục năm nay, giếng nước bắt đầu cạn dần và chuyển sang mầu vàng, có mùi tanh khó chịu. Để có nước sinh hoạt, nhiều người dân phải xây bể lắng, lọc bằng cát vàng, sỏi, than tại nhà. Nước sau khi lọc có trong hơn rất nhiều, nhưng nếu dùng để pha trà thì nhanh chóng chuyển sang mầu đen thẫm. Nhiều hộ dân chuyển sang đào giếng khơi hoặc khoan giếng để lấy nước. Giếng khơi chỉ cần đào sâu khoảng sáu đến bảy mét là đã có nước, nhưng vẫn là nguồn nước có mầu vàng ệch, có mùi tanh khó chịu. Còn giếng khoan sâu từ 50 đến 60 m nhưng có rất ít nước, cho nên người dân làng Lũng Vị vẫn chủ yếu phải sử dụng nguồn nước giếng khơi để sử dụng hằng ngày. Do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, số người bị mắc các bệnh ung thư gan, dạ dày trong những năm qua tăng cao, trong đó riêng năm 2014, thôn có tám người chết do mắc ung thư, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa từ lâu được ví như “ốc đảo”, bởi nằm cách xa trung tâm xã, bao quanh làng là sông Nhuệ. Do dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây cũng là nguồn nước chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho nên mỗi khi trạm bơm bơm nước từ sông vào đồng, nước đặc sánh, nổi bọt trắng xóa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Không chỉ nước sông Nhuệ ô nhiễm nặng, nước các ao hồ, mương máng trong thôn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các giếng khơi bị thấm nước ô nhiễm không thể sử dụng. Nước giếng khoan tuy trong, nhưng vẫn có mùi khó chịu, để lâu chuyển sang mầu tím ngắt. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải xây bể lọc, bể chứa nước mưa hoặc mua thiết bị lọc nước. Cùng với việc thiếu nước sinh hoạt, người dân thôn Thống Nhất rất lo lắng khi thời gian gần đây số người mắc các bệnh ngoài da, bệnh liên quan đến đường hô hấp và nhất là bệnh ung thư ngày càng tăng cao.

Theo Trưởng thôn Thống Nhất Nguyễn Trí Thức, số người chết do mắc bệnh ung thư liên tục tăng trong những năm qua khiến người dân rất hoang mang. Riêng năm 2014, cả thôn có 11 người chết, trong đó có năm người chết do ung thư, phần lớn là dưới 55 tuổi. Người dân trong thôn đã nhiều lần làm đơn phản ánh với chính quyền xã về tình trạng nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và đã có nhiều đoàn về khảo sát, lấy mẫu kiểm tra, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời khiến người dân lo lắng hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ có nguồn nước tại thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên và thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ bị ô nhiễm, mà môi trường sống tại đây cũng đang rất báo động. Người dân đang phải chung sống với nguồn nước và bầu không khí ô nhiễm, ngột ngạt. Hệ thống cống rãnh thoát nước không có nắp đậy. Kênh mương, cống rãnh không được nạo vét thường xuyên. Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi khắp nơi. Riêng tại thôn Lũng Vị, môi trường còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do người dân thường xuyên sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất mây tre, xả trực tiếp nước thải có chứa hóa chất chưa xử lý ra môi trường.

Để sớm ổn định cuộc sống cho người dân thôn Lũng Vị và thôn Thống Nhất, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm điều tra, khảo sát, làm rõ nguồn nước cũng như môi trường sống tại đây. Trước mắt cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị lọc nước, khử trùng. Lồng ghép chương trình nước sạch nông thôn, vệ sinh môi trường vào chương trình xây dựng nông thôn mới để sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trong khu dân cư, xây dựng trạm xử lý nước sạch trong khu vực. Đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, khơi thông hệ thống cống rãnh thoát nước. Tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý môi trường, nhất là môi trường sông Nhuệ ngay từ đầu nguồn để tránh ô nhiễm cho người dân vùng hạ lưu sinh sống hai bên bờ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường.

BÀI VÀ ẢNH: MINH VÂN

Tin Liên Quan